Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Tiền của dân, đừng đùa !

Trong khi chưa thể tổng kết hiệu quả cụ thể của đề án này, thì đã có những học viên sau khi hưởng “tiền đóng thuế” của dân đi du học, đã bất ngờ tự ý bỏ ngang hợp đồng với thành phố, tìm “lối rẽ” vì mục đích phục vụ cá nhân mình, chứ không phải phục vụ cho thành phố.

Đã có cam kết giấy trắng mực đen, hễ “bỏ ngang” là phải đền bù gấp 5 lần số tiền “dân đóng thuế” nuôi mình ăn học, nhưng có một số “nhân tài” đã tính “chạy làng”, buộc thành phố Đà Nẵng phải làm hồ sơ khởi kiện họ ra tòa đòi lại chi phí đào tạo (theo hợp đồng) mà thành phố đã bỏ ra.

Đây là việc không khó làm, và rất đúng với cam kết hay “hợp đồng” mà các “nhân tài” đã xin được ký với thành phố trước khi được chọn đi du học.

Ai cũng biết, phục vụ cho thành phố, cho nhân dân thì bao giờ cũng kèm những yêu cầu, và mức lương hay thu nhập có khi không nhiều bằng phục vụ cho các công ty nước ngoài hoặc các công ty lớn trong nước. Nhưng trước hết người được cử đi học phải hiểu rõ: tiền bỏ ra cho mình ăn học thành tài chính là tiền ngân sách, nôm na là tiền của dân đóng thuế.

Lâu nay, ngân sách quốc gia (thông qua các chương trình) cũng đã bỏ ra không ít tiền nhằm đào tạo các nhân tài, nhưng kết quả khá mù mờ. Một số người sau khi học xong đã tự ý phá vỡ hợp đồng, coi tiền nhà nước như tiền chùa, miễn mình “chạy” được suất đi học, còn sau này phục vụ ai thì khoan hãy tính! Đã có không ít những “nhân tài” thoát được việc phải đền bù hợp đồng do phá ngang, dĩ nhiên, họ lại thêm một lần nữa “chạy” thành công, sau lần “chạy” để được đi du học.

Nhưng lần này hy vọng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Tiền ngân sách thành phố, chi ra bao nhiêu đã ghi rõ ràng, “nhân tài” nào được chi bao nhiêu cho việc học hành cũng rất minh bạch. Nếu cần phải kiện ra tòa đòi bồi thường thì cũng phải làm tới nơi tới chốn. Như vậy mới duy trì được kỷ cương, và cũng là cách bảo vệ cho được “tiền đóng thuế” của dân mình, không để thất thoát.

Thanh Thảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét